Ngày Tết, mâm cơm mọi gia đình Việt Nam đều đầy ắp thịt kho, bánh chưng, bánh tét,.. Nhưng chính vì đi đâu cũng gặp những món ăn nhiều thịt, nhiều dầu mỡ, nên ta rất dễ nhàm chán. Gỏi bông điên điển tôm thịt là một món ăn chống ngán cho bữa cơm nhà bạn đấy. Với màu vàng tươi đẹp mắt, kết hợp thêm màu sắc từ các nguyên liệu khác làm cho món ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất bắt mắt nữa.
Thịt để trộn gỏi bạn nên chọn thịt ba chỉ có cả thịt và mỡ thì khi trộn sẽ ngon hơn. Thịt rửa sạch rồi để ráo. Tôm cắt râu, rửa sạch rồi để ráo. Đun sôi một nồi nước, cho vào 1 muỗng cà phê muối. Cho tôm vào luộc chín. Tôm chín vớt ra dĩa để nguội rồi bóc vỏ tôm. Chừa lại đuôi tôm cho đẹp. Cho tiếp thịt vào luộc, khi luộc bạn nhớ dùng đũa ghim thử xem thịt đã chín chưa nhé rồi xắt thịt thành lát mỏng vừa ăn. Không nên luộc quá kĩ vì thịt sẽ bị khô, mất ngon.
Bông điên điển tước bỏ phần cọng, rửa nhẹ tay kẻo dập. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch. Bào cà rốt thành sợi. Bông súng tước bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt bông súng thành khúc vừa ăn khoảng 5cm rồi chẻ bông súng làm 4 hoặc làm 6. Tùy theo bông súng bạn mua được to hay nhỏ nhé. Sau khi chẻ thì ngâm bông súng vào nước có pha 1 quả tắc để bông súng không bị thâm. Rau răm nhặt lấy lá, rửa sạch.
Đun nóng dầu ăn, cho bánh phồng tôm vào chiên. Bánh vừa nở thì trở qua mặt còn lại. Bánh vừa chín vàng thì vớt ra. Cho đậu phộng vào chảo với 1 muỗng cà phê muối, đảo đậu phộng thường xuyên trên lửa nhỏ đến khi đậu phộng vàng thì tắt bếp. Cho đậu phộng ra rổ để lọc muối bỏ đi. Bỏ đi lớp vỏ lụa bên ngoài đậu phộng.
Pha nước mắm: cắt đôi tắc, vắt lấy nước. Hòa tan 4 muỗng canh nước cốt tắc, 8 muỗng canh nước mắm Chin-su, 4 muỗng canh đường với nhau. Cho tỏi ớt vào nữa rồi khuấy thật đều. Cho bông điên điển, bông súng, tôm thịt, cà rốt, rau răm vào tô lớn. Rưới nước mắm lên trên rồi trộn đều. Cuối cùng cho đậu phộng rang lên nữa là hoàn thành.
Khi ăn gắp một ít gỏi có cả rau và tôm thịt cho lên chiếc bánh phồng tôm. Cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ hương vị chua cay mặn ngọt hòa quyện vào nhau. Bông điên điển ăn vào có vị hơi đắng, nhưng sau đó là vị ngọt còn đọng lại trong cổ họng. Món ăn này tuy không cần nhiều gia vị, quan trọng nhất là nước mắm phải thật ngon thì món ăn mới tròn vị. Chúc bạn thành công với món ăn này trong mâm cơm ngày Tết nhé.