Bánh tro dẻo là món ăn đặc trưng của dịp Tết Đoan Ngọ và cũng là thức quà vặt quen thuộc trong tuổi thơ của biết bao người. Cách làm bánh tro đòi hỏi sự khéo tay và tỉ mỉ để có thể tạo nên được những chiếc bánh tro đều kích cỡ gói gọn, đều đặn trong lá tre. Hãy tự tay làm bánh tro cho dịp Tết Đoan Ngọ năm nay nhé!
Vo sạch gạo nếp, ngâm với nước có hòa tan muối khoảng 5-6 giờ hoặc qua đêm. Sau đó, cho gạo nếp ra rổ, để ráo, thêm muối vào, xóc đều. Tip: Ngâm gạo nếp sẽ giúp bánh tro thành phẩm dẻo mềm, không bị chai cứng bột.
Hòa tan nước tro tàu với 1 lít nước trong tô, khuấy đều.
Cho gạo nếp vào tô sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro vào cùng. Mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 giờ.
Đãi sạch đậu xanh không vỏ, ngâm vào tô nước ấm khoảng 1-2 giờ. Tiếp theo cho đậu xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đậu xanh chín mềm.
Khi đậu xanh vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường trắng vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đỗ tơi mịn ra. Hoặc có thể cho đậu xanh vào máy sinh tố, xay thật mịn. Cho tiếp đậu xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đậu hơi se khô lại, nêm đường tùy theo khẩu vị. Tắt bếp, để nguội.
Rửa sạch lá tre, cho vào nồi nước sôi. Chần sơ qua để lá mềm, dễ gói hơn.
Vo đậu xanh thành những viên tròn, nhỏ, cho ra đĩa. Xếp chồng 2 lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình cái phễu.
Dùng muỗng múc 1 phần gạo nếp, đặt 1-2 viên đậu xanh vào giữa, múc thêm gạo nếp che phủ phần đậu xanh. Lấy muỗng ấn nhẹ phần nếp xuống cho thật chặt.
Gấp hết phần góc còn lại của lá tre cho thật kín, dùng lạt hoặc có thể dùng dây thừng sợi nhỏ để buộc bánh tro lại.
Đun nồi nước sôi, cho bánh ú tro vào, luộc khoảng 1-2 giờ. Mực nước luộc bánh phải cao hơn bánh tro khoảng 1 gang tay. Cuối cùng, vớt bánh tro ra, xả lại với nước lạnh là xong.
Vậy là món bánh ú tro đã hoàn thành. Bánh tro ăn dẻo, bùi bùi, ngọt vị đậu xanh rất đặc biệt. Bạn có thể ăn bánh ú tro thêm với đường hoặc mật ong đều được.